25/7/11

Kinh nghiệm xin cấp GPXD nhà ở tại TP.HCM

Nhân tiện có một người bạn vừa hỏi Mr.BADI về việc xin cấp Giấy phép xây dựng (GPXD), hôm nay Mr.BADI tui sẽ trình bày sơ lược về chủ đề này luôn. Câu hỏi Mr.BADI nhận được là "Ê, mày có quen biết ai để làm GPXD bên khu nhà tao không, tao đang định xây lại căn nhà?", lại một câu hỏi hết sức quen thuộc về cả kiểu cách lẫn nội dung mà không phải là "Ê, mày có biết quy trình xin cấp GPXD không, hướng dẫn cho tao với". Đây có thể gọi là một thói quen hay một "văn hóa" về "các mối quan hệ" thịnh hành trong xã hội ngày nay.

Mr.BADI nhận được câu hỏi và lập tức hình dung ra nguyên nhân tại sao mình nhận được cú điện thoại này:

1. Vì Mr.BADI tui làm trong ngành xây dựng nên được bạn bè hỏi là quý hóa lắm rồi.

2. Bạn tui muốn tìm một con đường ngắn và ít gồ ghề với chi phí vừa phải để ra được GPXD theo quan điểm "NGON, BỔ, RẺ".

Đáp lại câu hỏi ấy, Mr.BADI tui phản công lại bằng hàng loạt các câu hỏi như sau:

1. Thế chú đã có ý tưởng hay bản vẽ thiết kế cho ngôi nhà chưa?

2. Tình trạng giấy tờ pháp lý nhà, đất đầy đủ không?

3. Chú dự định khi nào thì xây, dự trù kinh phí xây bao nhiêu vậy?

Và câu trả lời:

1. Ủa? Phải thiết kế trước hả? Tao tưởng bản vẽ xin GPXD riêng còn khi xây thì thiết kế khác theo ý mình chứ? Có thằng nói tao vẽ bản vẽ xin phép xây dựng 16.000/1m2 là sao?

2. Nhà tao có giấy chủ quyền nhà nhưng đất thuê, mà hình như sắp tới sẽ quy hoạch giải tỏa khu này thì phải, hy vọng chừng 5-10 năm nữa.

3. Tao đang định xây sớm, ráng cho xong trước Tết, tiền chưa có, khi nào xây thì vay Ngân hàng thôi.

Cuối cùng là lộ trình Mr.BADI tui vạch ra cho người bạn để tạm đối phó với những vấn đề quá quen thuộc này:

1. Lập tức chạy ra Phường/Xã (bộ phận địa chính) hay lên Quận/Huyện (Phòng Tài nguyên môi trường) để xin các thông số về quy hoạch của khu đất như: lộ giới, chiều cao tầng, số tầng tối đa, độ vươn ra cho phép của ban công... để cung cấp cho thiết kế và hỏi thủ tục xin cấp GPXD, nhưng chủ yếu là xin thông tin các Công ty chuyên thực hiện dịch vụ này và chắc chắn sẽ nhận được sự giới thiệu về các Công ty A, B hay C...

2. Liên hệ với một kiến trúc sư hoặc một đơn vị thiết kế để lên ý tưởng cho ngôi nhà sắp xây dựng.

3. Lấy bản vẽ thiết kế mình ưng ý nhất chạy đến Công ty A, B hay C... để thỏa thuận chi phí và thời gian cho dịch vụ xin cấp GPXD.

4. Chi tiền và ngồi chờ kết quả, thông thường theo con đường này thì trong vòng 1 tháng bạn sẽ có GPXD cầm trong tay (trừ những trường hợp quá đặc biệt thì sẽ lâu hơn với chi phí phát sinh tương ứng).

Con đường này tuy phải đi vòng và tốn một ít chi phí nhưng bù lại bạn sẽ chủ động hơn về mặt thời gian để chuẩn bị kế hoạch xây nhà tốt hơn.

Mr.BADI chúc các bạn may mắn và mau được cấp GPXD nha.

1 comments:

Chậc, chưa có tiền mua nhà, chưa có tiền xây nhà, mà đã nghe thấy choáng quá anh B :).

Đăng nhận xét