THIẾT KẾ TINH TẾ

www.landauxaynha.com - bao.dinh@landauxaynha.com - landauxaynha@gmail.com - 0938.51.62.93

THI CÔNG CẨN THẬN

www.landauxaynha.com - bao.dinh@landauxaynha.com - landauxaynha@gmail.com - 0938.51.62.93

CHI PHÍ HỢP LÝ

www.landauxaynha.com - bao.dinh@landauxaynha.com - landauxaynha@gmail.com - 0938.51.62.93

TIẾN ĐỘ CHÍNH XÁC

www.landauxaynha.com - bao.dinh@landauxaynha.com - landauxaynha@gmail.com - 0938.51.62.93

CHẤT LƯỢNG ĐẢM BẢO

www.landauxaynha.com - bao.dinh@landauxaynha.com - landauxaynha@gmail.com - 0938.51.62.93

12/2/11

Thượng đế thì cười

Bài viết xin mượn tựa một tác phẩm của cố nhà văn Nguyễn Khải, nhưng “thượng đế” ở đây là những khách hàng của các kiến trúc sư, “thượng đế” ở đây là các chủ nhà. Không phải cứ có nhà mới là “thượng đế” có thể cười. Để “thượng đế” có thể cười, nụ cười mãn nguyện, cần sự hợp tác từ cả hai phía.

Phải duyên phải số thì nên!

Ở đô thị hiện nay, xây nhà là phải có thiết kế, hẳn rồi. Đã qua cái thời kỳ mà ông chủ tự mở mâm hay nhờ ông bạn quý hóa nào đó (đã từng xây nhà) vẽ kiểu rồi giao cho thợ; hay thậm chí nhờ chính cái ông thầu thiết kế. Và việc đầu tiên ấy là phải đi tìm kiến trúc sư (KTS). Nhà có KTS thiết kế, phải oách rồi, phải đẹp là chắc. Ai cũng tin như thế. Đây là một câu chuyện có thể kết thúc nhanh gọn hoặc thậm chí có thể kéo dài, dài hơn cả thời gian thi công xây dựng. Ban đầu, gia chủ thường lục trí nhớ tìm kiếm xem trong họ hàng, bạn bè có ai là… KTS không, để… nhờ. Tiếp theo, nếu không có thì xem những người quen ai mới xây nhà để hỏi về thiết kế. Tiếp nữa là tìm KTS hay các đơn vị tư vấn thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông khác. Có gia chủ dễ dàng tìm được KTS phù hợp (với những thỏa thuận ban đầu), nhưng cũng không ít gia chủ đắn đo lựa chọn, thậm chí “thay ngựa giữa dòng” khi xảy ra bất đồng trong quá trình thực hiện – việc đó đã làm kéo dài thời gian.

Nhu cầu của gia chủ - đâu là thật?

Trước khi đến với KTS, hay các văn phòng tư vấn, chủ nhà thường đã chuẩn bị cho mình một lưng vốn kha khá về chuyện này. Họ đã phần nào biết được những nhu cầu chính của mình là gì – đó chính là những dữ kiện ban đầu cho các KTS. Tuy nhiên, những nhu cầu đó không phải lúc nào cũng đúng và quan trọng hơn là đa phần khách hàng chưa hình dung ra được khái niệm về không gian và cơ cấu của ngôi nhà. Họ chỉ hình dung được về các phòng chức năng, vật liệu, kiểu dáng kiến trúc hay một vài chi tiết nổi bật… Đó chỉ là những dữ kiện cần nhưng chưa đủ để giải bài toán thiết kế. Để giải bài toán này, phải có một nhiệm vụ thiết kế chính mà nhiệm vụ này không phải do chủ nhà đưa ra hay KTS đề xuất. Nó phải là sản phẩm đôi bên cùng xây dựng.

Ai cũng hiểu kiến trúc là một bài toán tổng hợp liên quan đến nhiều phương diện như: nghệ thuật, kỹ thuật, văn hóa, kinh tế, xã hội… Thế nhưng khi làm việc với KTS, nhiều gia chủ lại… quên điều này. Hệ quả là một loạt những bất cập xảy ra trong quá trình thiết kế mà KTS kêu trời – có tài thánh cũng không cố kéo nổi. Có chủ nhà do quá tin tưởng (hay bàng quan với chính mình?) giao phó tất cả nhiệm vụ cho KTS, và rồi khi phương án đưa ra trên cơ sở ấy, họ lại yêu cầu sửa theo nhu cầu của họ. Báo hại cho KTS về sửa mệt. Thường thì với nhà ở đăng bán, lượng khách kiểu này không nhiều. Còn lại nhiều gia chủ đưa cho KTS hàng loạt những nhu cầu, cùng bao nhiêu “tôi muốn”, mà tất cả đá nhau, tréo ngoe nhau không thể giải quyết nổi: hoặc có thể đáp ứng nhưng KTS đều không muốn đáp ứng. Những “nhu cầu thật” mà chủ nhà đưa ra không nhiều – thậm chí họ không đầu tư thời gian và công sức để cùng KTS xác lập nhu cầu ấy. Nhưng họ lại mải mê và viễn vông với “nhu cầu giả”, say sưa tìm kiếm thông tin, tưởng tượng và tự vẽ ra những thứ chưa hoặc không cần thiết, thậm chí phi thực tế. Những “nhu cầu giả” này thường xuất hiện khi chủ nhà nhìn thấy ở đâu đó và thích – có thể ở thực tế hay trong sách báo.

Có khách hàng nằng nặc yêu cầu KTS thiết kế cho mình cầu thang theo kiểu này (do nhìn thấy ở nhà anh bạn), nhưng thực tế không thể làm như thế với kích thước và hình dáng khu đất. Có khách hàng muốn trần thật cao (theo quan niệm “nhà cao cửa rộng”) trong khi diện tích đất khiêm tốn, và cần phải tiết kiệm diện tích thang. Có người lại đề nghị cho một sân thượng lý tưởng với bàn ghế, cây xanh để rồi một năm lên đó vài lần… phơi chiếu! Rồi thì yêu cầu nhà tôi giống… nhà hát lớn, giống biệt thự Pháp – mà “nhà tôi” là nhà lô phố… Còn có những yêu cầu mà theo KTS là “quái đản”, không thể chịu đựng nổi.

Có một nhu cầu nữa – rất chính đáng nhưng luôn là trở ngại lớn đối với KTS. Đây cũng là sai lầm nữa của các gia chủ trong tiến trình làm việc. Đó là vấn đề phong thủy. Người viết không đi sâu vào những ràng buộc mâu thuẫn với kiến trúc của phong thủy hay chuyên nghành phong thủy, mà chỉ nói về tiến trình. Dù được các KTS “cảnh báo” rất sớm nhưng phần nhiều khách hàng vẫn vừa đặt “thầy” vẽ, vừa đặt “thầy” coi. Việc này được xem như sự phàn nàn hàng đầu của các KTS làm nhà ở. Một câu phán của “thầy” có thể xóa sổ cả phương án thiết kế (thậm chí đã chuyển sang giai đoạn thiết kế kỹ thuật) là chuyện thường ngày ở huyện. Thật khó diễn tả cả bộ mặt và tâm trạng KTS lúc ấy. Bỏ thì mất công, theo tiếp – nghĩa là làm lại – thì vừa mệt mà vẫn lỗ. Sự sòng phẳng và thẳng thắn trong các hợp đồng tư vấn thiết kế hình như vẫn còn yếu ớt. Trong các trường hợp thế này, thiệt thòi luôn về phía các KTS.

Giải quyết thế nào?

Ở trên, có vẻ như phần lỗi thuộc về khách hàng nhiều hơn. Nhưng thật công bằng và khách quan, không thể cho rằng KTS là nạn nhân hoàn toàn. Nói một cách khác, họ có thể giảm bớt rất nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện dự án bằng chính những kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức của mình. Những hiện tượng xảy ra đa dạng và phức tạp nhưng bản chất cũng chỉ là mấy vấn đề cốt lõi. Chúng tôi tạm tổng kết như sau:

- Những sự thay đổi, điều chỉnh thiết kế, yêu cầu thêm gây thiệt hại về thời gian và công sức cũng như tinh thần của KTS; với trường hợp này cần phải có điều khoản rõ ràng trong hợp đồng, liên quan cụ thể đến chi phí kinh tế. KTS hay đại diện đơn vị tư vấn cần tiếp cận một cách chuẩn xác hơn với quan hệ dịch vụ - khách hàng, tránh kiểu làm việc quá nghệ sĩ hay đơn giản kỹ thuật mà tự gây thiệt hại. KTS cũng cần lường trước những tình huống cho bản thân và dự báo cho khách hàng để tránh bị động.

- Những yêu cầu quá nhiều, quá “sức chịu đựng” của ngôi nhà, không thể đáp ứng được; đây là một vấn đề khá thú vị. Khách hàng đôi khi không biết và họ không có lỗi, mà chính KTS làm cho khách hành ngộ nhận, họ tưởng có thể “được” nhiều thứ - kiểu n trong 1. Lúc này thật sự cần kinh nghiệm nghề, kiến thức tổng hợp và kỹ năng tư vấn để khách hàng hiểu rõ hơn, hướng khách hàng tiến gần đến “nhu cầu thật” hơn. Trong một bài viết về thế hệ KTS trẻ. KTS Hà Anh Tuấn (ĐH Kiến Trúc TP.HCM) có đưa một nhận định – đại ý rằng, nhiều KTS 8X bây giờ mãi chạy theo dự án, công nghệ, 3D, diễn dọa… mà quên mất việc trau dồi tri thức và xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức xã hội, bản lĩnh văn hóa để có thể hành nghề đúng vai trò của KTS. Tôi tin điều này đúng. Chính vì lỗ hổng đó mà nhiều KTS trẻ có thể rất xuất sắc ở một phương diện nào đó nhưng không có được tư duy tốt và cái nhìn toàn diện. Vì thế họ khó có thể thực hiện tốt việc “đọc” khách hàng và đưa ra những giải pháp tổng hợp, tư vấn đúng đắn tới khách hàng.

- Những yêu cầu quá cụ thể, kiểu lắt nhắt, kiểu cóp nhặt mỗi nơi một tí như mái giống nhà ông A, cầu thang giống nhà ông B, ban công giống nhà ông C… thực ra với yêu cầu kiểu này không quá khó thuyết phục bằng vấn đề chuyên môn thuần túy. Nhưng kiểu yêu cầu này cũng có thể là thảm họa nếu như thượng đế của KTS vẫn miệt mài háo hức đi tham quan trong khi các KTS đang triển khai bản vẽ kỹ thuật. Đôi khi những chi tiết rất nhỏ làm tôn giá trị của công trình cùng không gian kiến trúc lên và ngược lại.

- Yêu cầu như… “thượng đế”, bởi thượng đế có tiền, rất nhiều tiền. Việc bỏ tiền ra thuê KTS là rất nhỏ nên thượng đế bắt KTS phải vẽ theo ý mình, KTS sẽ là… thợ vẽ. Làm việc với những đối tượng khách hàng này KTS vừa thích, vừa sợ. Thích vì… có nhiều tiền, thích vì nếu thuyết phục được khách hàng dễ có kết quả tốt. Sợ vì không thuyết phục được, sợ vì… công trình làm ra… tiếng xấu để đời. Tất nhiên cái mà khách hàng “bắt” KTS vẽ phần nhiều là dở nên KTS cũng dở khóc dở mếu, chẳng bao giờ dám nhận con mình; cũng như một nỗi đau nghề vậy. Nhưng số KTS có đủ bản lĩnh và lương tâm nghề trong những trường hợp này hình như không nhiều, nên thực tế mới có không ít những công trình ung nhọt mọc lên và tiếp tục mọc lên nữa.

Để có một tiếng nói chung

Đôi bên có tiếng nói chung, đó là điều bất kỳ chủ nhà nào cũng mong muốn. Nhưng quan trọng nhất là cả hai phải hiểu rõ vai trò và vị trí của mình cũng như của đối tác, thì mọi việc mới có thể tiếp tục thuận lợi. Sự ngộ nhận về vai trò, quyền hạn hay cố tình áp đặt lẫn nhau đều không đưa đến kết quả tốt. Và người viết muốn nhấn mạnh rằng: trong việc xây nhà, KTS là người “giúp” chủ nhà để cùng thực hiện chứ không phải làm thay, và KTS càng không phải anh thợ vẽ. Cuối cùng, mong rằng những câu chuyện kiến trúc sư với thượng đế luôn là những câu chuyện đẹp để tất cả “thượng đế” có thể cười mãn nguyện!

Nhặt từ Internet

Đi tìm sự phù hợp kiến trúc

Khi đã bỏ tiền ra đầu tư thì ai cũng mong muốn dự án của mình, ngôi nhà của mình phải là đẹp nhất, độc đáo nhất, tuyệt vời nhất, hoàn hảo nhất… Nhưng chẳng mấy ai hiểu được rằng những cái “nhất” mà họ đang mong muốn đều là ảo tưởng, chỉ có sự phù hợp là tồn tại trong thực tế. Mà đã nói là phù hợp thì sẽ không ai giống ai, không công trình nào giống công trình nào, không thể dùng công trình này để bàn luận về công trình khác… Mọi sự so sánh để tìm ra và để thỏa mãn cùng một lúc những cái “tốt nhất” đều là khập khiễng!

Chủ đầu tư các công trình luôn mong muốn tìm cho mình một nhà thiết kế sáng tạo nhất, kinh nghiệm nhất, phục vụ tốt nhất, chi phí thấp nhất... Tuy nhiên, trên thực tế chẳng bao giờ họ có thể tìm được một nhà thiết kế hội đủ các cái "nhất" như vậy, mà chỉ có thể tìm được một nhà thiết kế phù hợp nhất cho họ mà thôi. Và sự phù hợp chính là kết quả tốt nhất mà chủ đầu tư có thể đạt được khi hoàn tất một dự án.

"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa..."

Ông bà ta thường nói về ba yếu tố dẫn đến thành công: "Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa". Với nhà thiết kế cũng vậy, để thành công, họ cũng phải tìm ra sự phù hợp với ba yếu tố trên.

Thứ nhất, giải pháp thiết kế phải hợp thời. Cho dù nhà thiết kế có chọn lựa phong cách thiết kế cổ điển, bán cổ điển hay hiện đại thì thiết kế đó vẫn phải phản ánh hơi thở của nhịp sống thời đại, vẫn phải phù hợp điều kiện sống và quy chuẩn kỹ thuật của thời đại mà họ đang sống. Trong thực tế, những ai theo trường phái kiến trúc hiện đại thường hay bài bác trường phái kiến trúc cổ điển và ngược lại. Người này thì chê người kia là phức tạp, cổ hủ, lạc hậu; còn người kia thì chê người này là hời hợt, đơn điệu, thiếu chiều sâu… Nhưng nếu phân tích dưới góc độ khách quan thì không thể nói rằng bên nào là ưu việt hơn. Giống như người khoái nhạc nhẹ nhàng du dương hoặc nhạc “sến” thì chẳng thể nào yêu nhạc rock được! Trường phái nào cũng có những nguyên tắc đặc thù của nó, cũng như những ưu điểm và nhược điểm không thể tránh khỏi.

Khi đó người ta lại phải xét đến sự phù hợp thú hai: “địa lợi”. Ví dụ trong một khu phố cổ như Hội An chẳng hạn, mà đi xây dựng một công trình hiện đại với nhôm kính sáng lấp lánh thì cho dù công trình đó có được thiết kế tốt cũng khó lòng được chấp nhận, vì nó đã phá vỡ không gian kiến trúc của toàn khu. Ngược lại, trong một đô thị hiện đại thì có mấy khi kiến trúc cổ điển được lựa chọn… (Tất nhiên, trên thế giới, có những tác giả lớn đã rất thành công khi tạo sự tương phản – mà công trình Kim tự tháp bằng kính ở Bảo tàng Louvre, Pháp là một ví dụ - nhưng đó là chuyện của những tài năng bậc thầy và ở những nền kiến trúc, xây dựng tiên tiến). Ngoài yếu tố cảnh quan môi trường, giải pháp kiến trúc còn phải phù hợp với địa hình của khu đất. Mỗi loại địa hình khác nhau từ bằng phẳng đến đồi dốc, sông nước thì sẽ tương ứng với một giải pháp kiến trúc khác nhau… Việc áp dụng giải pháp kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phù hợp của giải pháp kiến trúc đối với khu đất xây dựng. Khi đó, có khi dây chuyền công năng của công trình cũng sẽ bị ảnh hưởng do sự thiếu phù hợp của giải pháp kiến trúc.

Sau cùng, một yếu tố rất quan trọng mà giải pháp kiến trúc cần phải thỏa mãn, đó là yếu tố con người. Nếu như hai yếu tố “thiên thời” và “địa lợi” còn có những nguyên tắc cơ bản để nhà thiết kế có thể ứng dụng, thì yếu tố “nhân hòa” lại không có bất cứ nguyên tắc bất di bất dịch nào! Khi đó nhà thiết kế buộc phải vận dụng khả năng tùy cơ ứng biến của mình để giải quyết các tình huống xảy ra ngoài ý muốn. Con người vốn dĩ phức tạp nên sẽ không dễ dàng chút nào để thỏa mãn những nhu cầu ngày một tăng nhanh cao và “muôn hình vạn trạng”. Thỏa mãn một người đã khó, đằng này nhà thiết kế đôi khi phải phục vụ cho cả một gia đình, một công ty! Chủ đàu tư là nữ sẽ khác, nam sẽ khác; trẻ khác, già lại càng khác hơn nữa! Để tìm được một sự phù hợp, một mẫu số chung thỏa mãn hết những yêu cầu và tâm tính của họ thì quả là một việc còn khó hơn “mò kim đáy bể”. Để tránh tình trạng bị rơi vào “mê hồn trận”, nhiều nhà thiết kế đã khẩn thiết yêu cầu chủ đầu tư cử một đại diện duy nhất để làm việc. Tuy nhiên, đôi khi những yêu cầu đó cũng khó lòng thực hiện được… Nếu chủ đầu tư là một công ty thì nhà thiết kế buộc phải trình phương án cho cả Hội đồng Quản trị phê duyệt. Nếu chủ đầu tư là một cá nhân thì nhà thiết kế không chỉ phải làm việc với cá nhân đó mà còn phải thỏa mãn yêu cầu của tất cả các thành viên trong gia đình, thậm chí là bạn bè của chủ đầu tư!? Ngoài ra, điều kiện tài chính của chủ đầu tư cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng mà nhà thiết kế cần phải quan tâm. Mặc dù chưa hẳn có tiền thì sẽ có một giải pháp kiến trúc tốt, nhưng một giải pháp kiến trúc tối ưu thì không thể thiếu tiền được! Vì vậy mới nảy sinh một khái niệm về giải pháp kiến trúc “phù hợp với túi tiền” của chủ đầu tư. Một giải pháp “tiết kiệm” sẽ khác xa một giải pháp “phô trương”… Điều đó nằm ngoài sự kiểm soát của nhà thiết kế.

Và hơn thế nữa

Thế mới biết, để xong một dự án hoàn chỉnh, nhà thiết kế phải trải qua một quãng đường dài đi tìm sự phù hợp trong từng yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”. Đó thực sự là một quá trình gian nan để giải một phương trình có nhiều ẩn số, mà đáp án chính là chất lượng công việc và sự hài lòng của khách hàng. Nhiều chủ đầu tư hay băn khoăn tại sao: tại sao cũng giải pháp kiến trúc đó khi áp dụng cho nhà người bạn thì đẹp, còn nhà mình thì xấu không chịu được? Hơn thế nữa, nhiều chủ đầu tư lại có tư tưởng cầu toàn đến mức cực đoan, họ không muốn bất cứ ai chê bất cứ một điểm nào trong nhà của mình. Hễ có người chê cái cửa thì họ cho thay cửa, chê cầu thang thì họ đập cầu thang mà không cần biết những lời chê bai đó có hợp lý hay không… cứ thế, nhà thầu có việc làm thường xuyên, còn chủ đầu tư thì cứ mãi loay hoay đi tìm một “ngôi nhà mơ ước”! Bản thân người viết cũng đã từng tham dự những buổi tiệc tân gia mà ở đó trong khi chủ nhà đang huyên thuyên “quảng bá” về ngôi nhà mới của mình như một tuyệt tác nghệ thuật thì các thực khách lại xầm xì to nhỏ về những thiếu sót này nọ về thiết kế lẫn thi công của chính ngôi nhà đó.

Nhặt từ Internet

Câu chuyện của Chủ đầu tư và Kiến trúc sư

“Gặp được người thiết kế ưng ý khó quá hà! Nghe nói mấy ông kiến trúc chảnh như con cá cảnh…Ông A. thiết kế toàn tính vài ngàn, bây giờ chuyển sang vàng, mà phải đặt cọc trước à nghe”…

Những lời than thở, những cuộc điện thoại nóng tai mà nhiều khi toàn chuyện đâu đâu, trong đó có chuyện gặp nhau làm sao giữa chủ nhà và người thiết kế, gặp nhau ở đâu, thế nào và bao lâu…

Gặp ai?

Dĩ nhiên là chủ nhà gặp người thiết kế rồi. Nhưng, điều này chỉ đúng với trường hợp kiến trúc sư làm việc một mình từ A đến Z. Thực tế không thể tồn tại một kiến trúc sư “độc hành” như vậy, trong khi các chủ nhà lại hay thích gặp người trực tiếp thiết kế ngôi nhà cho mình. Một số công ty thiết kế, khi đến phần triển khai kỹ thuật, các kiến trúc sư thường gặp vẻ lo lắng hoặc thờ ơ của chủ nhà vì họ đã quen “nắm tóc” kiến trúc sư chủ trì từ đầu. Điều này khiến cho quan hệ hai bên xấu đi, công việc gián đoạn, nội bộ nhóm thiết kế bất ổn và mất hứng.

Kiến trúc sư cũng khá mệt mỏi khi phải gặp…cả dòng họ của chủ nhà. Từ cô con gái đòi phong cách tuổi teen đến bà ngoại muốn có am thờ. Ai cũng góp ý được. Trong lĩnh vực nhà ở tư nhân, quyền lợi chủ nhà khá thiết thực và chi tiết nên vấn đề góp ý là không tránh khỏi, tuy nhiên những chủ nhà khéo léo sẽ thường họp gia đình trước và khi thống nhất thì cử đại diện ra bàn bạc, tránh tình trạng “đánh hội đồng” hoặc “xa luân chiến” khiến kiến trúc sư chịu trận rất tội nghiệp.

Gặp ở đâu?

Kiến trúc sư Đ. cho rằng khách hàng đối với anh như mối quan hệ bạn bè, càng hiểu nhau càng dễ làm việc, càng dễ thiết kế ưng ý chủ nhà hơn. Vì thế Đ. thường xuyên đi mua sắm, ăn uống, thậm chí… xem phim với khách hàng của mình! Cách làm này hợp với phong cách sống của Đ., nhưng với kiến trúc sư H. thì rất ngán: tại sao phải ra quán, ở đó vừa ồn ào, mất tập trung, vừa tốn thời gian của nhau!

Trên thực tế có thể tạm chia ra 03 trường phái tranh luận về chốn gặp, đó là nhóm thích ra quán, nhóm thích về văn phòng và nhóm… ở đâu cũng được. Bên thích ra quán nói rằng: chọn quán có nội thất đẹp, âm nhạc trợ hứng, thậm chí thêm ví dụ trực quan như một bức tranh, một mảng gạch để hai bên cùng bàn luận… Còn nhóm thứ hai lại lập luận: ở văn phòng tư tốt hơn, có thể tham khảo ý kiến các bộ phận khác (kết cấu , điện nước), không phải chờ đợi (mà dù có chờ thì cũng vẫn làm việc khác được). Nhóm trung lập thì quan niệm: tùy theo ý chủ nhà, nếu ở văn phòng không thoải mái thì ra ngoài, gò bó quá dễ mất khách.

Cuộc tranh luận vẫn chưa kết thúc, và hình ảnh những nhóm người xem bản vẽ trên laptop tại các quán vẫn là một minh chứng cho xu thế “làm việc tư do, làm việc không dây” hiện được giới trẻ khá ưa chuộng.

Nhiều chủ nhà thích thay đổi địa điểm giống như… hẹn hò, có qua có lại, bữa nay chỗ anh thì bữa tới chỗ tôi, quán sang trọng hay cà phê cóc đều được. Những người không ưa xê dịch thì luôn bắt chết một quán, một góc, một bàn (thậm chí một hướng nhìn cố định, vì nghe thầy phong thủy bảo rằng tuổi con là phải quay mặt hướng nam khi bàn công chuyện!)

Một số công ty lớn thường có bộ phận sale hoặc maketing chuyên nghiệp, rất bài bản trong việc thu xếp gặp gỡ, tìm địa điểm, chọn trang phục, ẩm thực… để mong muốn sớm ký kết được hợp đồng và làm hài lòng khách hàng tối đa. Nhưng khi áp dụng vào lĩnh vực tư vấn – thiết kế kiến trúc thì như vậy vẫn chưa đủ. Theo NVT, một số kiến trúc sư nổi tiếng thì: “Tôi không hẳn là người thành công nhiều, mà là người cố gắng giảm thiểu các thất bại. Tôi thường xuyên dự báo, lường trước các hợp đồng không đi đến đâu dù lớn hay nhỏ, để tập trung thời gian cho chuyên môn và những chủ đầu tư nghiêm túc”.

Gặp bao lâu, khi nào?

Một kiến trúc sư có tiếng kể rằng anh không chịu nổi cảm giác toàn phải đến nhà khách hàng vào… giờ ăn cơm chiều của họ! Suy cho cùng cả ngày đi làm việc, tối dạy dỗ con cái, lúc nào xem bản vẽ nếu không phải vào “giờ vàng” buổi tối? Vừa nhóp nhép nhai vừa bàn về toa-lét, lâu lâu cu Tèo nhảy vô hỏi: phòng của con đâu ba?

Lại có những trường hợp đôi bên quá hạp nhau, nói chuyện rôm rả mà toàn chuyện ngoài lề! Có bà vợ chủ nhà gặp đúng gã kiến trúc sư cũng ghiền chơi dàn âm thanh hi-end như chồng mình nên đã nhất quyết đòi gặp kiến trúc sư, bởi: mấy ông mà ráp vô với nhau thì nhà sắp xây chỉ toàn là phòng nghe nhạc, bếp núc dẹp sang một bên hết!

Sự dễ dãi, hoặc ngược lại, khắc khe quá mức, thường khiến cho những lần gặp đầu tiên không thu được kết quả tốt. Dễ dãi quá thì cuộc nói chuyện chẳng đi tới đâu, chủ nhà về rồi mà người thiết kế vẫn không biết nên làm sao, biết sẽ rủi ro gì không. Còn khó khăn căng thẳng quá thì hai bên đều thủ thế với nhau, chưa ứng tiền làm sao vẽ, chưa có gì coi làm sao trả tiền? Việc gặp nhau lâu quá cũng không có gì hay, nó như một bữa tiệc kéo dài, dù ngon đến mấy cũng sẽ ngán, và thậm chí đôi bên còn… quên mất mình đã trao đổi những gì trước đó.

Điểm gặp nhau.

Thế như cho dù gặp ai, gặp nhau ở đâu và gặp nhau lâu mau thì điều mà cả hai bên mong muốn nhất đều là “gặp nhau” được về mặt chuyên môn, sớm thống nhất được ý tưởng và triển khai công việc hiệu quả. Thế nhưng cái điểm G thiêng liêng ấy đôi khi lại trật lất hoặc lệch pha nhau, bên này thấy được rồi mà bên kia sao vẫn còn lơ mơ? Lúc này chủ nhà nghi ngờ kiến trúc sư đang vẽ cầm chừng, sao không sớm cho tôi cái… móng để còn đi thuê ép cọc luôn! Lúc khác người thiết kế lại hoài nghi “bữa nay ổng nói đồng ý mà chả biết bữa sau có thay đổi gì chăng, để lâu nữa chỉ sợ… đêm dài lắm mộng”.

Tác động của bên ngoài cũng ảnh hưởng không ít đến việc “gặp gỡ” của hai bên. Mới cà phê cà pháo hồi sáng nói anh hài lòng rồi em triển khai đi nhé, thì… thằng bạn ở đâu sà vào, mở bản vẽ ra khoe, nó bàn ra tán vô, thế là tạm ngưng. Hoặc hai bên sớm thống nhất nhưng khi trình lên xin phép thì lại không đúng với quy định xây dựng chung cho toàn khu. Thế là mất hứng, thế là nổi quạu, thế là giận cá chém thớt, mà thớt không ai xa lạ chính là người thiết kế mà mình vừa hồ hởi "see you again" cách đây mấy ngày.

Nói theo kiểu thể thao thì những cuộc gặp này rất cần đúng điểm rơi phong độ của cả hai bên. Có ông mới bị “phong tỏa tài khoản” mang bộ mặt ỉu xìu đến gặp người viết bài: chắc phải thôi quá em ạ, bả đang ham đầu tư chứng khoán, chuyện xây nhà tạm ngưng! Nghe muốn phát khóc! Có chị lại hưng phấn “quá mức” sau khi đi nghỉ ở resort nào về: phương án hôm trước bỏ em ha, bây giờ chị muốn phòng tắm lộ thiên hoàn toàn (!?)

Nhưng ta cũng biết rằng “phong độ chỉ là nhất thời còn đẳng cấp mới là vĩnh viễn”. Với những nhà thiết kế bản lĩnh và chủ nhà bình tĩnh, thì một buổi làm việc nóng bức do mất điện đột xuất hay tác động của thị trường chứng khoán chỉ là chuyện thoảng qua, bởi họ biết rằng ngôi nhà thực sự đang chờ họ sẽ không đơn giản là xong sau mấy lần uống cà phê, mà cũng không quá ghê gớm như nhiều người hù dọa.

Cái họ cần là một “ngôi nhà quá trình”, ngôi nhà được nhiều phía xây dựng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, không thể hấp tấp đốt cháy giai đoạn mà cũng không hẳn là một hợp đồng làm ăn lạnh lùng. Hiểu về quyền lợi chung của nhau thì gặp nhau rất nhanh gọn, bình đẳng và sòng phẳng. Tóm lại là đòi hỏi tính chuyên nghiệp của cả chủ nhà lẫn người thiết kế, cả hai đều là thượng đế của nhau, và các thượng đế đều nên biết cách mỉm cười!


Nhặt từ Internet

7 kỹ năng cần có của người quản lý dự án

Các nhà quản trị ngày nay đánh giá kỹ năng giao tiếp, sự trung thực, liêm chính của cấp dưới ngang bằng nhau và ở vị trí cao nhất trong những năng lực mà họ mong đợi ở nhân viên. Kế tiếp đó mới là sự năng động, sáng tạo, làm việc siêng năng và khả năng làm việc theo nhóm.

Sở dĩ những tính chất, kỹ năng nêu trên được đánh giá cao như vậy vì nó liên quan chặt chẽ đến công tác quản lý dự án - một loại hàng công việc rất quan trọng mà các doanh nghiệp thường phải thực hiện.

Dưới đây là những cách giúp bạn đạt hiệu quả trong công việc quản lý dự án.

1. Chịu khó nâng cao năng lực lưu trữ kết quả công việc.
Khi thành thạo các kỹ năng quản lý dự án, nhân viên thực hiện công việc nhanh hơn, nhất là việc lưu trữ kết quả công việc dưới dạng văn bản. Do đó, nên luyện để nâng cao năng lực lưu trữ kết quả công việc dưới dạng biểu đồ là rất quan trọng.

2. Chú ý đến ghi chép và rút kinh nghiệm sau mỗi giai đoạn thực hiện công việc.
Nội dung cơ bản của quản lý dự án là xây dựng kế hoạch cách thực hiện công việc hiệu quả nhất với những nguồn lực hiện có trong thời gian ngắn nhất. Mỗi khi thực hiện xong một công việc gì, bạn hãy ghi lại những gì đã làm được, rút ra bài học kinh nhiệm thì đó là những tài liệu vô giá của bạn sau này.

3. Thường xuyên liên lạc với đồng nghiệp.
Không phải cứ họp hành nhiều là tốt, mà vấn đề nằm ở chỗ bạn quản lý thông tin như thế nào. Hãy quan tâm đến cuộc trao đổi, tiếp xúc và giữ liên lạc với đồng nghiệp để có đủ thông tin.

4. Làm việc tốt với các thành viên trong nhóm.
Bạn có làm việc ăn ý với những thành viên trong nhóm? Những thành viên trong nhóm có muốn cộng tác với bạn? Mọi người có xem bạn là người đứng đầu dự án không? Bạn có tích cực nghe những gì người khác nói không? Khi một người trong nhóm chất vấn bạn, hãy cố gắng lý giải vấn đề một cách trực tiếp và thật khách quan.

5. Luôn đảm bảo tiến độ công việc.
Không đảm bảo đúng tiến độ và không thực hiện đầy đủ công việc được giao là con đường ngắn nhất giết chết sự nghiệp của bạn. Các kỹ năng quản lý dự án tập trung vào việc đảm bảo tiến độ công việc với kết quả tốt nhất nên một khi làm chủ được điều này, bạn sẽ được các thành viên trong nhóm tin tưởng.

6. Bình tĩnh để kiểm soát tình hình.
Một người quản lý dự án giỏi cần phải bình tĩnh và kiểm soát được tình hình trên cơ sở có đầy đủ thông tin về dự án. Căn cứ vào thời gian phải hoàn thành dự án, người quản lý phải biết phân công ai phải làm việc gì, ở đâu và luôn có những phương án đề phòng bất trắc. Nếu chẳng may xảy ra sự cố, phải thật bình tĩnh để giải quyết mọi vấn đề phát sinh và giữ sự ổn định tình hình.

7. Thích ứng với những thay đổi.
Đừng khó chịu trước những thay đổi bất thường của dự án. Một người quản lý dự án giỏi luôn phải thích ứng với những thay đổi của dự án và đề ra những biện pháp kịp thời để kiểm soát tình hình và đảm bảo sự thành công cho dự án đó.

Nhặt từ Internet