11/7/11

Một số quy định về kiến trúc nhà ở

Trường hợp chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ, nhà được phép xây sát chỉ giới đường đỏ là trường hợp khá phổ biến ở đô thị, tiêu biểu là nhà mặt phố, nhà chia lô trong các khu đất dự án, đã có quy hoạch. Trong trường hợp này, nhà xây từ móng đến tường không vượt ra khỏi phạm vi chỉ giới. Chỉ cho phép các bậc thềm, vệt dắt xe được nhô ra tối đa là 0,3m (bằng chiều rộng một bậc). Các đường ống thoát nước mưa gắn vào mặt ngoài nhà, các bậc cửa sổ, gờ chỉ trang trí từ độ cao 1,0m tính từ vỉa hè được nhô ra tối đa là 0,2m. Không cho phép các cánh cửa (kể cả cửa sổ) được mở ra ngoài phạm vi chỉ giới đường đỏ từ độ cao 2,5m tính từ vỉa hè. Đối chiếu với quy định này, bạn không nên lắp cánh cửa chớp ở mặt ngoài nhà, mở ra đường.

Cửa sắt, cổng sắt bảo vệ không được mở ra ngoài đường, trừ trường hợp bạn đã lùi tường vào một khoảng cách đủ mở cửa. Trong các hẻm nhỏ, không có vỉa hè, mở cửa hướng ra đường gây nguy hiểm cho người và xe cộ vì không quan sát được người từ trong nhà mở cửa đi ra.

Từ độ cao 3,5m tính từ mặt vỉa hè trở lên, có thể đưa ra ban công, mái vảy, ô văng (tấm che mưa nắng cho cửa sổ), seno (máng hứng và thoát nước mưa) nhô ra khỏi chỉ giới đường đỏ; tuy nhiên phải nhỏ hơn chiều rộng hè đường ít nhất là 1,0m.

Luật cũng quy định độ vươn ra còn tùy thuộc chiều rộng lộ giới. Chiều rộng lộ giới tức là khoảng cách từ đường đỏ bên này tới đường đỏ bên kia (bao gồm cả hè đường). Nếu chiều rộng lộ giới này nhỏ hơn 6m bạn cũng không được làm ban công nhô ra. Khoảng cách lộ giới từ 6-12m, bạn được vươn ra tối đa là 0,9m. Khoảng cách lộ giới từ 12-16m, bạn được vươn ra tối đa là 1,2m. Trường hợp trên 16m, mới được vươn ra 1,4m.

Như vậy trong các ngõ hẻm, chiều rộng lộ giới rất nhỏ, trung bình từ 2-6m cũng không cho phép ban công vươn ra. Phổ biến hiện nay là hai nhà đối diện nhau thỏa thuận chia đôi khoảng không để vươn ra hai ban công gần sát nhau, chỉ còn khe hở nhỏ. Kiểu ban công vươn ra như vậy chẳng những Luật không cho phép mà còn không có hiệu quả sử dụng. Ban công là nơi để ngắm cảnh thư giãn nhưng đứng ở ban công nhà này nhìn thẳng vào cửa sổ nhà hàng xóm thật bất tiện. Các ban công vươn ra che kín mặt hẻm còn làm cho ngõ hẻm thêm tối tăm, ẩm thấp, thiếu ánh sáng cho các phòng tầng trệt. Nhiều nhà xây sau đã vươn ban công ra gần sát nhà đối diện, hình thành kiểu cài răng lược rất thiếu thẩm mỹ, lại sứt mẻ quan hệ xóm giềng.

Một điều lưu ý thêm là độ vươn ra này không chỉ phụ thuộc vào lộ giới. Không phải lộ giới càng lớn, bạn càng được phép vươn ban công ra một cách "lũy tiến" tăng. Tối đa 1,4m là độ vươn ra an toàn cho kết cấu công trình để chống lật, gẫy, võng kết cấu ban công. Luật quy định, kể cả khi bạn lùi nhà vào sau đường đỏ, bạn cũng chỉ được nhô ban công ra không quá 1,4m.

Một lưu ý nữa mà các chủ nhà thường không để ý là các cấu kiện, các thành phần ngầm của công trình cũng không được nằm ngoài chỉ giới đường đỏ. Đặc biệt là phần móng không được vượt quá ranh giới đất được quyền sử dụng kể cả đó là hè đường công cộng, không phải chủ quyền cá nhân. Như vậy, đối với nhà xây móng bằng bê tông cốt thép, các mặt nhà giáp nhà khác và giáp sát hè đường phải làm móng lệch tâm, sao cho từ trên xuống dưới các thành phần công trình làm thành đường thẳng đứng, không nhô ra cả phần ngầm "xòe" ra khỏi vị trí đất được sở hữu.

0 comments:

Đăng nhận xét