12/2/11

Đi tìm sự phù hợp kiến trúc

Khi đã bỏ tiền ra đầu tư thì ai cũng mong muốn dự án của mình, ngôi nhà của mình phải là đẹp nhất, độc đáo nhất, tuyệt vời nhất, hoàn hảo nhất… Nhưng chẳng mấy ai hiểu được rằng những cái “nhất” mà họ đang mong muốn đều là ảo tưởng, chỉ có sự phù hợp là tồn tại trong thực tế. Mà đã nói là phù hợp thì sẽ không ai giống ai, không công trình nào giống công trình nào, không thể dùng công trình này để bàn luận về công trình khác… Mọi sự so sánh để tìm ra và để thỏa mãn cùng một lúc những cái “tốt nhất” đều là khập khiễng!

Chủ đầu tư các công trình luôn mong muốn tìm cho mình một nhà thiết kế sáng tạo nhất, kinh nghiệm nhất, phục vụ tốt nhất, chi phí thấp nhất... Tuy nhiên, trên thực tế chẳng bao giờ họ có thể tìm được một nhà thiết kế hội đủ các cái "nhất" như vậy, mà chỉ có thể tìm được một nhà thiết kế phù hợp nhất cho họ mà thôi. Và sự phù hợp chính là kết quả tốt nhất mà chủ đầu tư có thể đạt được khi hoàn tất một dự án.

"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa..."

Ông bà ta thường nói về ba yếu tố dẫn đến thành công: "Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa". Với nhà thiết kế cũng vậy, để thành công, họ cũng phải tìm ra sự phù hợp với ba yếu tố trên.

Thứ nhất, giải pháp thiết kế phải hợp thời. Cho dù nhà thiết kế có chọn lựa phong cách thiết kế cổ điển, bán cổ điển hay hiện đại thì thiết kế đó vẫn phải phản ánh hơi thở của nhịp sống thời đại, vẫn phải phù hợp điều kiện sống và quy chuẩn kỹ thuật của thời đại mà họ đang sống. Trong thực tế, những ai theo trường phái kiến trúc hiện đại thường hay bài bác trường phái kiến trúc cổ điển và ngược lại. Người này thì chê người kia là phức tạp, cổ hủ, lạc hậu; còn người kia thì chê người này là hời hợt, đơn điệu, thiếu chiều sâu… Nhưng nếu phân tích dưới góc độ khách quan thì không thể nói rằng bên nào là ưu việt hơn. Giống như người khoái nhạc nhẹ nhàng du dương hoặc nhạc “sến” thì chẳng thể nào yêu nhạc rock được! Trường phái nào cũng có những nguyên tắc đặc thù của nó, cũng như những ưu điểm và nhược điểm không thể tránh khỏi.

Khi đó người ta lại phải xét đến sự phù hợp thú hai: “địa lợi”. Ví dụ trong một khu phố cổ như Hội An chẳng hạn, mà đi xây dựng một công trình hiện đại với nhôm kính sáng lấp lánh thì cho dù công trình đó có được thiết kế tốt cũng khó lòng được chấp nhận, vì nó đã phá vỡ không gian kiến trúc của toàn khu. Ngược lại, trong một đô thị hiện đại thì có mấy khi kiến trúc cổ điển được lựa chọn… (Tất nhiên, trên thế giới, có những tác giả lớn đã rất thành công khi tạo sự tương phản – mà công trình Kim tự tháp bằng kính ở Bảo tàng Louvre, Pháp là một ví dụ - nhưng đó là chuyện của những tài năng bậc thầy và ở những nền kiến trúc, xây dựng tiên tiến). Ngoài yếu tố cảnh quan môi trường, giải pháp kiến trúc còn phải phù hợp với địa hình của khu đất. Mỗi loại địa hình khác nhau từ bằng phẳng đến đồi dốc, sông nước thì sẽ tương ứng với một giải pháp kiến trúc khác nhau… Việc áp dụng giải pháp kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phù hợp của giải pháp kiến trúc đối với khu đất xây dựng. Khi đó, có khi dây chuyền công năng của công trình cũng sẽ bị ảnh hưởng do sự thiếu phù hợp của giải pháp kiến trúc.

Sau cùng, một yếu tố rất quan trọng mà giải pháp kiến trúc cần phải thỏa mãn, đó là yếu tố con người. Nếu như hai yếu tố “thiên thời” và “địa lợi” còn có những nguyên tắc cơ bản để nhà thiết kế có thể ứng dụng, thì yếu tố “nhân hòa” lại không có bất cứ nguyên tắc bất di bất dịch nào! Khi đó nhà thiết kế buộc phải vận dụng khả năng tùy cơ ứng biến của mình để giải quyết các tình huống xảy ra ngoài ý muốn. Con người vốn dĩ phức tạp nên sẽ không dễ dàng chút nào để thỏa mãn những nhu cầu ngày một tăng nhanh cao và “muôn hình vạn trạng”. Thỏa mãn một người đã khó, đằng này nhà thiết kế đôi khi phải phục vụ cho cả một gia đình, một công ty! Chủ đàu tư là nữ sẽ khác, nam sẽ khác; trẻ khác, già lại càng khác hơn nữa! Để tìm được một sự phù hợp, một mẫu số chung thỏa mãn hết những yêu cầu và tâm tính của họ thì quả là một việc còn khó hơn “mò kim đáy bể”. Để tránh tình trạng bị rơi vào “mê hồn trận”, nhiều nhà thiết kế đã khẩn thiết yêu cầu chủ đầu tư cử một đại diện duy nhất để làm việc. Tuy nhiên, đôi khi những yêu cầu đó cũng khó lòng thực hiện được… Nếu chủ đầu tư là một công ty thì nhà thiết kế buộc phải trình phương án cho cả Hội đồng Quản trị phê duyệt. Nếu chủ đầu tư là một cá nhân thì nhà thiết kế không chỉ phải làm việc với cá nhân đó mà còn phải thỏa mãn yêu cầu của tất cả các thành viên trong gia đình, thậm chí là bạn bè của chủ đầu tư!? Ngoài ra, điều kiện tài chính của chủ đầu tư cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng mà nhà thiết kế cần phải quan tâm. Mặc dù chưa hẳn có tiền thì sẽ có một giải pháp kiến trúc tốt, nhưng một giải pháp kiến trúc tối ưu thì không thể thiếu tiền được! Vì vậy mới nảy sinh một khái niệm về giải pháp kiến trúc “phù hợp với túi tiền” của chủ đầu tư. Một giải pháp “tiết kiệm” sẽ khác xa một giải pháp “phô trương”… Điều đó nằm ngoài sự kiểm soát của nhà thiết kế.

Và hơn thế nữa

Thế mới biết, để xong một dự án hoàn chỉnh, nhà thiết kế phải trải qua một quãng đường dài đi tìm sự phù hợp trong từng yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”. Đó thực sự là một quá trình gian nan để giải một phương trình có nhiều ẩn số, mà đáp án chính là chất lượng công việc và sự hài lòng của khách hàng. Nhiều chủ đầu tư hay băn khoăn tại sao: tại sao cũng giải pháp kiến trúc đó khi áp dụng cho nhà người bạn thì đẹp, còn nhà mình thì xấu không chịu được? Hơn thế nữa, nhiều chủ đầu tư lại có tư tưởng cầu toàn đến mức cực đoan, họ không muốn bất cứ ai chê bất cứ một điểm nào trong nhà của mình. Hễ có người chê cái cửa thì họ cho thay cửa, chê cầu thang thì họ đập cầu thang mà không cần biết những lời chê bai đó có hợp lý hay không… cứ thế, nhà thầu có việc làm thường xuyên, còn chủ đầu tư thì cứ mãi loay hoay đi tìm một “ngôi nhà mơ ước”! Bản thân người viết cũng đã từng tham dự những buổi tiệc tân gia mà ở đó trong khi chủ nhà đang huyên thuyên “quảng bá” về ngôi nhà mới của mình như một tuyệt tác nghệ thuật thì các thực khách lại xầm xì to nhỏ về những thiếu sót này nọ về thiết kế lẫn thi công của chính ngôi nhà đó.

Nhặt từ Internet

0 comments:

Đăng nhận xét