12/2/11

Câu chuyện của Chủ đầu tư và Kiến trúc sư

“Gặp được người thiết kế ưng ý khó quá hà! Nghe nói mấy ông kiến trúc chảnh như con cá cảnh…Ông A. thiết kế toàn tính vài ngàn, bây giờ chuyển sang vàng, mà phải đặt cọc trước à nghe”…

Những lời than thở, những cuộc điện thoại nóng tai mà nhiều khi toàn chuyện đâu đâu, trong đó có chuyện gặp nhau làm sao giữa chủ nhà và người thiết kế, gặp nhau ở đâu, thế nào và bao lâu…

Gặp ai?

Dĩ nhiên là chủ nhà gặp người thiết kế rồi. Nhưng, điều này chỉ đúng với trường hợp kiến trúc sư làm việc một mình từ A đến Z. Thực tế không thể tồn tại một kiến trúc sư “độc hành” như vậy, trong khi các chủ nhà lại hay thích gặp người trực tiếp thiết kế ngôi nhà cho mình. Một số công ty thiết kế, khi đến phần triển khai kỹ thuật, các kiến trúc sư thường gặp vẻ lo lắng hoặc thờ ơ của chủ nhà vì họ đã quen “nắm tóc” kiến trúc sư chủ trì từ đầu. Điều này khiến cho quan hệ hai bên xấu đi, công việc gián đoạn, nội bộ nhóm thiết kế bất ổn và mất hứng.

Kiến trúc sư cũng khá mệt mỏi khi phải gặp…cả dòng họ của chủ nhà. Từ cô con gái đòi phong cách tuổi teen đến bà ngoại muốn có am thờ. Ai cũng góp ý được. Trong lĩnh vực nhà ở tư nhân, quyền lợi chủ nhà khá thiết thực và chi tiết nên vấn đề góp ý là không tránh khỏi, tuy nhiên những chủ nhà khéo léo sẽ thường họp gia đình trước và khi thống nhất thì cử đại diện ra bàn bạc, tránh tình trạng “đánh hội đồng” hoặc “xa luân chiến” khiến kiến trúc sư chịu trận rất tội nghiệp.

Gặp ở đâu?

Kiến trúc sư Đ. cho rằng khách hàng đối với anh như mối quan hệ bạn bè, càng hiểu nhau càng dễ làm việc, càng dễ thiết kế ưng ý chủ nhà hơn. Vì thế Đ. thường xuyên đi mua sắm, ăn uống, thậm chí… xem phim với khách hàng của mình! Cách làm này hợp với phong cách sống của Đ., nhưng với kiến trúc sư H. thì rất ngán: tại sao phải ra quán, ở đó vừa ồn ào, mất tập trung, vừa tốn thời gian của nhau!

Trên thực tế có thể tạm chia ra 03 trường phái tranh luận về chốn gặp, đó là nhóm thích ra quán, nhóm thích về văn phòng và nhóm… ở đâu cũng được. Bên thích ra quán nói rằng: chọn quán có nội thất đẹp, âm nhạc trợ hứng, thậm chí thêm ví dụ trực quan như một bức tranh, một mảng gạch để hai bên cùng bàn luận… Còn nhóm thứ hai lại lập luận: ở văn phòng tư tốt hơn, có thể tham khảo ý kiến các bộ phận khác (kết cấu , điện nước), không phải chờ đợi (mà dù có chờ thì cũng vẫn làm việc khác được). Nhóm trung lập thì quan niệm: tùy theo ý chủ nhà, nếu ở văn phòng không thoải mái thì ra ngoài, gò bó quá dễ mất khách.

Cuộc tranh luận vẫn chưa kết thúc, và hình ảnh những nhóm người xem bản vẽ trên laptop tại các quán vẫn là một minh chứng cho xu thế “làm việc tư do, làm việc không dây” hiện được giới trẻ khá ưa chuộng.

Nhiều chủ nhà thích thay đổi địa điểm giống như… hẹn hò, có qua có lại, bữa nay chỗ anh thì bữa tới chỗ tôi, quán sang trọng hay cà phê cóc đều được. Những người không ưa xê dịch thì luôn bắt chết một quán, một góc, một bàn (thậm chí một hướng nhìn cố định, vì nghe thầy phong thủy bảo rằng tuổi con là phải quay mặt hướng nam khi bàn công chuyện!)

Một số công ty lớn thường có bộ phận sale hoặc maketing chuyên nghiệp, rất bài bản trong việc thu xếp gặp gỡ, tìm địa điểm, chọn trang phục, ẩm thực… để mong muốn sớm ký kết được hợp đồng và làm hài lòng khách hàng tối đa. Nhưng khi áp dụng vào lĩnh vực tư vấn – thiết kế kiến trúc thì như vậy vẫn chưa đủ. Theo NVT, một số kiến trúc sư nổi tiếng thì: “Tôi không hẳn là người thành công nhiều, mà là người cố gắng giảm thiểu các thất bại. Tôi thường xuyên dự báo, lường trước các hợp đồng không đi đến đâu dù lớn hay nhỏ, để tập trung thời gian cho chuyên môn và những chủ đầu tư nghiêm túc”.

Gặp bao lâu, khi nào?

Một kiến trúc sư có tiếng kể rằng anh không chịu nổi cảm giác toàn phải đến nhà khách hàng vào… giờ ăn cơm chiều của họ! Suy cho cùng cả ngày đi làm việc, tối dạy dỗ con cái, lúc nào xem bản vẽ nếu không phải vào “giờ vàng” buổi tối? Vừa nhóp nhép nhai vừa bàn về toa-lét, lâu lâu cu Tèo nhảy vô hỏi: phòng của con đâu ba?

Lại có những trường hợp đôi bên quá hạp nhau, nói chuyện rôm rả mà toàn chuyện ngoài lề! Có bà vợ chủ nhà gặp đúng gã kiến trúc sư cũng ghiền chơi dàn âm thanh hi-end như chồng mình nên đã nhất quyết đòi gặp kiến trúc sư, bởi: mấy ông mà ráp vô với nhau thì nhà sắp xây chỉ toàn là phòng nghe nhạc, bếp núc dẹp sang một bên hết!

Sự dễ dãi, hoặc ngược lại, khắc khe quá mức, thường khiến cho những lần gặp đầu tiên không thu được kết quả tốt. Dễ dãi quá thì cuộc nói chuyện chẳng đi tới đâu, chủ nhà về rồi mà người thiết kế vẫn không biết nên làm sao, biết sẽ rủi ro gì không. Còn khó khăn căng thẳng quá thì hai bên đều thủ thế với nhau, chưa ứng tiền làm sao vẽ, chưa có gì coi làm sao trả tiền? Việc gặp nhau lâu quá cũng không có gì hay, nó như một bữa tiệc kéo dài, dù ngon đến mấy cũng sẽ ngán, và thậm chí đôi bên còn… quên mất mình đã trao đổi những gì trước đó.

Điểm gặp nhau.

Thế như cho dù gặp ai, gặp nhau ở đâu và gặp nhau lâu mau thì điều mà cả hai bên mong muốn nhất đều là “gặp nhau” được về mặt chuyên môn, sớm thống nhất được ý tưởng và triển khai công việc hiệu quả. Thế nhưng cái điểm G thiêng liêng ấy đôi khi lại trật lất hoặc lệch pha nhau, bên này thấy được rồi mà bên kia sao vẫn còn lơ mơ? Lúc này chủ nhà nghi ngờ kiến trúc sư đang vẽ cầm chừng, sao không sớm cho tôi cái… móng để còn đi thuê ép cọc luôn! Lúc khác người thiết kế lại hoài nghi “bữa nay ổng nói đồng ý mà chả biết bữa sau có thay đổi gì chăng, để lâu nữa chỉ sợ… đêm dài lắm mộng”.

Tác động của bên ngoài cũng ảnh hưởng không ít đến việc “gặp gỡ” của hai bên. Mới cà phê cà pháo hồi sáng nói anh hài lòng rồi em triển khai đi nhé, thì… thằng bạn ở đâu sà vào, mở bản vẽ ra khoe, nó bàn ra tán vô, thế là tạm ngưng. Hoặc hai bên sớm thống nhất nhưng khi trình lên xin phép thì lại không đúng với quy định xây dựng chung cho toàn khu. Thế là mất hứng, thế là nổi quạu, thế là giận cá chém thớt, mà thớt không ai xa lạ chính là người thiết kế mà mình vừa hồ hởi "see you again" cách đây mấy ngày.

Nói theo kiểu thể thao thì những cuộc gặp này rất cần đúng điểm rơi phong độ của cả hai bên. Có ông mới bị “phong tỏa tài khoản” mang bộ mặt ỉu xìu đến gặp người viết bài: chắc phải thôi quá em ạ, bả đang ham đầu tư chứng khoán, chuyện xây nhà tạm ngưng! Nghe muốn phát khóc! Có chị lại hưng phấn “quá mức” sau khi đi nghỉ ở resort nào về: phương án hôm trước bỏ em ha, bây giờ chị muốn phòng tắm lộ thiên hoàn toàn (!?)

Nhưng ta cũng biết rằng “phong độ chỉ là nhất thời còn đẳng cấp mới là vĩnh viễn”. Với những nhà thiết kế bản lĩnh và chủ nhà bình tĩnh, thì một buổi làm việc nóng bức do mất điện đột xuất hay tác động của thị trường chứng khoán chỉ là chuyện thoảng qua, bởi họ biết rằng ngôi nhà thực sự đang chờ họ sẽ không đơn giản là xong sau mấy lần uống cà phê, mà cũng không quá ghê gớm như nhiều người hù dọa.

Cái họ cần là một “ngôi nhà quá trình”, ngôi nhà được nhiều phía xây dựng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, không thể hấp tấp đốt cháy giai đoạn mà cũng không hẳn là một hợp đồng làm ăn lạnh lùng. Hiểu về quyền lợi chung của nhau thì gặp nhau rất nhanh gọn, bình đẳng và sòng phẳng. Tóm lại là đòi hỏi tính chuyên nghiệp của cả chủ nhà lẫn người thiết kế, cả hai đều là thượng đế của nhau, và các thượng đế đều nên biết cách mỉm cười!


Nhặt từ Internet

0 comments:

Đăng nhận xét