20/6/11

Chọn và trao đổi với nhà Tư vấn Thiết kế

Bạn cần gì ở nhà Tư vấn Thiết kế và làm cách nào để hoàn thiện mối quan hệ với Kiến trúc sư mà bạn đã lựa chọn

Để có thể tìm cho mình một mẫu nhà có thể rất khó khăn, nhất là đối với người xây nhà lần đầu. Hầu hết chủ nhà, thậm chí những người biết rõ rằng họ muốn ngôi nhà mới của họ như thế nào, nhận thấy rằng thật khó có thể chọn được một người thiết kế phù hợp. Khi đứng trước sự lựa chọn nhà Tư vấn Thiết kế, chủ nhà – ngay cả người xây căn nhà thứ hai hay thứ ba – họ sẽ làm gì? Trước khi chọn nhà Tư vấn Thiết kế để ký hợp đồng, bạn hãy trả lời những câu hỏi sau:

Bạn thấy những gì trong hồ sơ thiết kế?

Một kiến trúc sư có thể đảm nhận những qui mô khác nhau của công trình theo một phong cách đặc trưng. Tuy nhiên, một số Kiến trúc sư có xu hướng thiên về thế mạnh của mình, ví dụ như Trang trí nột thất, Ngoại thất, Công trình công cộng, Nhà ở gia đình, …

Bạn có thể thích những gì mà nhà Thiết kế đã làm trong công trình mà bạn đã tham quan, nhưng bạn đừng bao giờ nghĩ nhà Thiết kế đó làm giống như vậy cho ngôi nhà của bạn, nhất là khi kích thước, loại nhà, mục đích sử dụng, nếp sống trong gia đình bạn khác nhau hoàn toàn. Bạn cần phải chú ý xem người Thiết kế có kinh nghiệm như thế nào trong việc thiết kế cho loại nhà mà bạn đang định xây dựng.

Phong cách Thiết kế của nhà Tư vấn?

Có thể một số Kiến trúc sư nói rằng họ không có phong cách thiết kế đặc trưng, thay vào đó họ sẽ nghe theo yêu cầu của khách hàng để thiết kế. Nhưng thực tế, mỗi Kiến trúc sư có những phong cách riêng trong thiết kế công trình, nội thất, ví dụ như kiến trúc sư có những sở trường trong thiết kế trang trí bằng gỗ hay kim loại bóng loáng, hiện đại hay cổ điển.

Mặc dù Kiến trúc sư giỏi có khả năng điều chỉnh phong cách thiết kế của họ cho phù hợp với những yêu cầu thiết kế của bạn, nhưng nếu bạn yêu thích phong cách kiểu Á Đông, việc bạn chọn Kiến trúc sư có thiên hướng đó sẽ có kinh nghiệm hoặc có kiến thức tốt hơn về phong cách mà bạn mong muốn. Bạn cũng nên lưu ý rằng kiến trúc sư từng trải trong phong cách mà bạn ưa thích có thể sẽ cho bạn những lời khuyên tốt hơn về những ưu và khuyết điểm của các ý tưởng về phong cách đó.

Ngoài ra, một Kiến trúc sư giỏi còn có thể thiết kế ngôi nhà của bạn phù hợp với túi tiền mà bạn có, để được một công trình đẹp.

Bạn biết gì về kỹ năng quản lý công trình của nhà Tư vấn Thiết kế?

Ngoài phong cách thiết kế và hồ sơ thiết kế ra, một Kiến trúc sư giỏi được đánh giá qua những kỹ năng quản lý dự án của mình. Nhà tư vấn Thiết kế mà bạn chọn nên có những kinh nghiệm trong việc bảo đảm mọi việc được hoàn tất và chạy suốt trong quá trình thiết kế – thi công, từ việc nộp hồ sơ xin giấy phép, đến việc quản lý thời gian thực hiện giám sát chất lượng công việc.

Kiến trúc sư Thiết kế cũng nên biết rõ về quá trình thi công công trình để nắm rõ về trình tự xây dựng. Một số trường hợp thông thường dẫn đến tình trạng mất thời gian do kiến trúc sư không đủ kiến thức về trình tự thi công, những công việc cần làm trước thì không được làm trước nên gây ra sự chậm trễ.

Liệu bạn và nhà Tư vấn Thiết kế có cùng “ngôn ngữ”?

Bạn xem giữa bạn và kiến trúc sư mà bạn chọn có “cùng tần sóng” hay không, không chỉ một mình bạn, mà còn gia đình bạn, những người tham gia ý tưởng cho ngôi nhà, cũng cần có một “tần sóng”.

Bạn cũng cần biết rằng không phải Kiến trúc sư mà bạn đang tiếp xúc sẽ thiết kế toàn bộ hồ sơ cho ngôi nhà, mà cần phải có cả một êkíp của nhà Tư vấn Thiết kế: Kiến trúc sư chủ trì, Kiến trúc sư khai triển, Kỹ sư Kết cấu, Kỹ sư Điện – Nước và giữa nhà Tư vấn Thiết kế với Nhà thầu xây dựng. Mối quan hệ giữa các thành viên trong ekip, giữa nhà Tư vấn Thiết kế với Nhà thầu Xây dựng rất quan trọng, bởi vì nó quyết định công việc xây dựng ngôi nhà thuận lợi như thế nào.

Bạn đã hoàn tất việc nghiên cứu của bạn chưa?

Bạn đã chuẩn bị những ý tưởng, yêu cầu, sở thích cho ngôi nhà của bạn chưa? Một vài hình ảnh, tạp chí giới thiệu về mẫu nhà mà bạn thích cho Kiến trúc sư xem còn quan trọng hơn việc theo sát diễn tiến công việc của người thiết kế.

Yêu cầu được xem vài căn nhà mà Kiến trúc sư đã và đang thiết kế. Điều này cho bạn biết được mọi chuyện có diễn tiến tốt đẹp không, và một ý niệm về công việc sắp đến, hay có thể tin tưởng vào Kiến trúc sư đó không? Kiến trúc sư đó có được lòng khách hàng không?

Đôi khi điều này không quan trọng, nhưng nó giúp bạn quyết định nhà Tư vấn Thiết kế nào bạn chọn.

Có phải đích thân Kiến trúc sư mà bạn chọn thiết kế ngôi nhà của bạn không?

Một số Kiến trúc sư có danh tiếng thì qua bận rộn để trực tiếp theo dõi thiết kế ngôi nhà của bạn. Họ chỉ có thể theo dõi quy trình thiết kế, còn công việc thiết kế chi tiết thì được đảm nhận bởi một cộng sự trong ekip.

Trước khi quyết định chọn nhà Tư vấn Thiết kế, bạn có chấp nhận sự sắp đặt này không? Khi công việc thiết kế sơ phác hoàn tất, giai đoạn quan trọng thứ hai là khai triển chi tiết – bạn sẽ làm việc nhiều hơn với người công sự trong ekip thiết kế đó.

Nếu Kiến trúc sư đó có thể trực tiếp theo dõi ngôi nhà của bạn, thì bạn cần xác định rõ xem bạn có thể gặp được anh ta bao nhiêu lần, và mỗi lần bao lâu trong quá trình thực hiện ngôi nhà của bạn.

Và bạn cũng cần xác định rõ Kiến trúc sư đó có thể làm thêm được những gì ngoài việc hoàn thành bộ hồ sơ thiết kế: giám sát quyền tác giả công trình, cùng với bạn chọn gạch, thiết bị vệ sinh, đồ nội thất và thậm chí cả đồng hồ, tranh ảnh, bình, lọ trang trí, …

Bản năng của bạn nói điều gì?

Bạn đã tìm hiểu và trả lời tất cả những câu hỏi trên, nhưng bản năng của bạn cảm thấy nhà Tư vấn Thiết kế đó không phù hợp. Đôi khi, cũng có thể đơn giản như một ấn tượng ban đầu không tốt hoặc có thể một chút cảm nhận rằng kiến trúc sư đó không thích hợp với bạn. Trong một vài trường hợp, bạn có thể thấy những ý tưởng mà kiến trúc sư đưa ra không phù hợp. Nếu như vậy, bạn dành thời gian để tìm một nhà Tư vấn Thiết kế khác phù hợp hơn.

Thời gian cho giai đoạn này: tùy thuộc vào cái “duyên” của bạn và Kiến trúc sư. Nhưng bạn cũng phải quyết định trong quỹ thời gian kế hoạch xây nhà.

0 comments:

Đăng nhận xét